Bệnh thuỷ đậu: sự chủ quan và những hậu quả lâu dài về sau

ThS. BS. Nguyễn Thị Trà My

Phó trưởng bộ môn Da Liễu, Trường Đại Học Y Dược – Đại Học Huế

Bệnh thuỷ đậu là phát ban da do Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên. Bệnh thường gặp ở đối tượng trẻ nhỏ (90% là trẻ dưới 10 tuổi) và người trưởng thành, hiếm gặp ở người già. Bệnh thuỷ đậu lây qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch tiết của tổn thương mụn nước trên da của người bị thuỷ đậu.

          Những hậu quả mà bệnh thuỷ đậu gây nên là gì?

  • Trẻ nhỏ: đây là đối tượng thường mắc thuỷ đậu nhất. Trẻ phát ban kèm theo sốt, chán ăn, bỏ bú, tạm dừng đến trường vì nguy cơ lây bệnh cho người xung quanh. Một thành viên trong gia đình mắc thuỷ đậu có thể lây bệnh cho những người còn lại trong gia đình nếu chưa có miễn dịch và khả năng lây bệnh đã xuất hiện từ trước lúc trẻ phát ban da.
  • Người trẻ: đối tượng này có miễn dịch khá tốt nên những trường hợp người trẻ mắc thuỷ đậu thì bệnh thường nặng hơn so với trẻ em, đặc biệt là biến chứng viêm phổi thuỷ đậu. Tuy nhiên vấn đề người trẻ quan tâm nhiều khi mắc thuỷ đậu lại là vấn đề sẹo xấu do thuỷ đậu để lại. Thuỷ đậu thường tạo sẹo lõm sâu, kích thước khá lớn và chủ yếu nằm ở vùng mặt. Những sẹo này sẽ tồn tại vĩnh viễn gây kém thẩm mỹ về sau.
  • Người già: đây là đối tượng hiếm khi mắc thuỷ đậu do chủ yếu đã mắc ở giai đoạn trước. Vậy đối tượng này bị ảnh hưởng gì? Bệnh thuỷ đậu sau khi lành (hết phát ban) thì virus không đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể mà còn tồn lưu một lượng ít virus ở hạch thần kinh, chính miễn dịch của cơ thể tạo ra sau mắc bệnh sẽ giúp ức chế hoạt động của lượng virus này. Cho đến lúc già, miễn dịch suy yếu, virus này tái hoạt và gây ra bối cảnh mới trên lâm sàng: bệnh zona. Bệnh zona là một nỗi ám ảnh đối với người bệnh đã từng mắc bệnh này vì triệu chứng đau thần kinh khó chịu và kéo dài dai dẳng. Như vậy nói chung, mắc thuỷ đậu từ lúc nhỏ sẽ có nguy cơ bị zona về già.

Phụ nữ mang thai: nhiễm VZV trong giai đoạn mang thai có thể ảnh hưởng đến mẹ như viêm phổi, sinh non… và thai nhi (hội chứng thuỷ đậu bẩm sinh hoặc thuỷ đậu sơ sinh). Trẻ sinh ra có thể có sẹo da, kém phát triển của chi, não, mô mắt… cũng như mắc thuỷ đậu lan toả dẫn đến tỉ lệ tử vong lên đến 20% trẻ mắc thuỷ đậu sơ sinh.

Sẹo da ở trẻ sơ sinh có mẹ mắc thuỷ đậu trong thai kỳ

Zona mặt

Sẹo lõm do thuỷ đậu

Vì sao vẫn còn sự chủ quan về bệnh thuỷ đậu?

Như đã trình bày ở trên, chúng ta thấy rõ rằng bệnh thuỷ đậu có thể mang lại những hậu quả về lâu dài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân vẫn còn rất thờ ơ với bệnh cho đến lúc phát bệnh mới nhận thức được tầm quan trọng của việc dự phòng. Minh chứng rõ ràng là hằng năm, tại các phòng khám Da Liễu tiếp nhận rất nhiều trường hợp thuỷ đậu trẻ em cũng như người trưởng thành đến khám, đặc biệt bệnh tạo thành những đợt dịch theo mùa.

Bệnh thuỷ đậu đã có vaccin dự phòng từ lâu. Vaccin này hiện không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ có ở những cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Do đó, nếu người dân không có kiến thức về dự phòng bệnh sẽ chủ quan là con em mình đã tiêm chủng đầy đủ (tiêm chủng mở rộng) và có thể phòng bệnh được nhưng thực tế thì không.

Lịch tiêm chủng của bệnh thuỷ đậu bắt đầu từ trẻ 12 tháng tuổi, gồm 2 mũi tiêm cách nhau tối thiểu 3 tháng. Khuyến cáo nên tiêm mũi 1 lúc 12-15 tháng và mũi 2 lúc 4-6 tuổi. Tỉ lệ bảo vệ của huyết thanh đạt khoảng 85% sau mũi 1 và đạt >99% sau mũi 2. Với biện pháp dự phòng đơn giản là tiêm chủng chủ động, con em và người thân của chúng ta đã được bảo vệ khỏi 80% khả năng mắc bệnh thuỷ đậu và dự phòng 100% khả năng mắc thuỷ đậu mức độ nặng. Ở những nước phát triển, tần suất lưu hành của bệnh thuỷ đậu cực kỳ thấp do sự phổ cập tiêm chủng của vaccin này.

Hiện nay, các bệnh viện hiện không có xét nghiệm để xác định những ai đã mắc bệnh thuỷ đậu hay chưa, do đó, nếu bạn không có tiền sử mắc thuỷ đậu rõ ràng tốt nhất bạn nên đi tiêm chủng để bảo vệ cho bản thân về sau. Dù bạn đã từng mắc thuỷ đậu thì việc tiêm chủng thêm càng giúp củng cố miễn dịch bảo vệ chứ không mang lại nguy hiểm nào. Nếu bạn nghi ngờ về phát ban da do thuỷ đậu, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để nhận được sự điều trị kịp thời và sự tư vấn đầy đủ để hạn chế lây bệnh cho những người xung quanh.

 

          Tài liệu tham khảo

  1. Christopher Downing, Natalia Mendoza, Karan Sra and Stephen K. Tyring (2019),Human Herpesvirus”, Dermatology, 4th edition, chapter 80, pp. 1400-1424.
  2. William D. James, Timothy G. Berger, Dirk M. Elston (2016), “Viral diseases”, Andrew’s diseases of the skin: Clinical Dermatology, 12th edition, pp. 359-417.
  3. https://vnvc.vn/tre-tiem-mui-vac-xin-ngua-thuy-dau-khi-nao-o-dau-gia-bao-nhieu/?fbclid=IwAR1Vp54jq6_Z5y8VYzD6xP0nLPM0RsPKV7mD-ySlV9NeucP8EcnBCo1QyQg