U nhầy xoang trán xâm lấn ổ mắt và sọ não: Một trường hợp lâm sàng

TS. Nguyễn Nguyện, ThS. Dương Thị Mỹ, BS. Trần Minh Ân, BSNT. Tạ Lê Quyên

U nhầy là những khối u giả nang, tổn thương lành tính, thường phát triển chậm và có khả năng xâm lấn rộng. U nhầy thường xuất hiện ở các xoang cạnh mũi, đặc biệt là u nhầy ở xoang trán-sàng thường được tìm thấy hơn u nhầy xoang bướm. Sự xâm lấn rộng vào các cấu trúc giải phẫu xung quanh của u nhầy là do sự tiết chất nhầy liên tục và đặc tính tiêu huỷ xương của khối u nhầy.

  1. Nguyên nhân và dịch tễ học của u nhầy xoang trán

Nguyên nhân của u nhầy xoang trán rất đa dạng, tuy nhiên có hai yếu tố chính phối hợp gây nên sự phát triển của u nhầy xoang trán là sự tắc nghẽn lỗ thông xoang và sự viêm nhiễm. Trong đó, nguyên nhân đóng vai trò quyết định đến từ sự tắc nghẽn lỗ thông xoang. Sự tắc nghẽn này là do bẩm sinh hoặc mắc phải (viêm mũi dị ứng, sau chấn thương, sau phẫu thuật mũi xoang, sau viêm hay nhiễm trùng…) [1].  Theo một số nghiên cứu, khoảng 60-89% u nhầy xảy ra ở xoang trán, 8-30% ở xoang sàng, 5-10% ở xoang hàm và 2-3% ở xoang bướm [2-6]. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, thường gặp ở độ tuổi 40-60 tuổi, ít khi xuất hiện trước tuổi trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là như nhau [2-6].

  1. Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị

Giai đoạn đầu, u nhầy xoang trán có thể hoàn toàn yên lặng hoặc có những biểu hiện của bệnh lý viêm mũi xoang như ngạt mũi, chảy mũi nước hoặc có triệu chứng nặng đầu, đau nhẹ ở vùng trán nhưng ít được chú ý. Tuy nhiên, khi u nhầy phát triển xâm lấn và tiêu huỷ thành xương các triệu chứng biểu hiện rõ hơn với các dấu hiệu chủ yếu ở mắt, dấu hiệu của mũi xoang chỉ đứng thứ 2. Bệnh nhân bắt đầu sụp mi, chảy nước mắt, giảm thị lực kèm theo nhìn đôi, vận nhãn hạn chế, nặng nề hơn có tình trạng lồi mắt với nhãn cầu bị đẩy ra ngoài, xuống dưới và khoảng cách 2 mắt rộng ra hay u nhầy xâm lấn xuất ngoại ra da vùng trán. Bên cạnh có bệnh nhân còn có các dấu hiệu về mũi xoang như ngạt mũi, chảy dịch mũi, giảm hay mất khứu. Ở giai đoạn tiến triển gây biến chứng có thể xuất hiện các dấu hiệu thần kinh thứ phát đa dạng như đau đầu dữ dội, mất tri giác thoáng qua hay rối loạn hành vi.

Chẩn đoán u nhầy xoang trán chủ yếu dựa vào lâm sàng và kết hợp với một số cận lâm sàng như chụp CT scan mũi xoang…

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của bệnh lý u nhầy xoang trán. Có nhiều phương pháp phẫu thuật với đường mổ khác nhau như đường trên cung mày (suprabrow incision) hay đường nội soi trong mũi… đều nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn vỏ khối u và dẫn lưu tốt để tránh tái phát [7].

  1. Một trường hợp lâm sàng

Bệnh nhân H.P.X, nam, 61 tuổi, địa chỉ Hương Trà, TT Huế, không có tiền sử mắc bệnh lý viêm nhiễm mũi xoang, không bị chấn thương hay phẫu thuật mũi xoang trước đây. Bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viên Trường Đại học Y Dược Huế vì chảy mũi bên phải đục xanh loãng kèm mùi tanh hôi đã gần 1 tháng. Thăm khám lâm sàng hốc mũi 2 bên chưa phát hiện bất thường, ấn đau nhẹ vùng hốc mắt phải. Tiến hành nội soi mũi phát hiện dịch mủ xanh loãng chảy ra từ khe giữa bên phải khi ấn vùng xoang trán bên phải, ngoài ra không phát hiện bất thường các vùng hốc mũi 2 bên. Bệnh nhân được chụp CT Scan vùng mũi xoang phát hiện xoang trán phải khối choán chỗ kích thước 30x24x31mm gây giãn rộng xoang, tiêu xương thành trên ổ mắt phải, tiêu xương thành sau xoang trán mở rộng vào sọ não. Tuy nhiên may mắn là khối u nhầy không thâm nhiễm vào màng cứng. Kết hợp thăm khám chuyên khoa Mắt chưa phát hiện triệu chứng bất thường ở mắt như nhìn đôi, nhìn mờ hay vận nhãn hạn chế… trên bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán U nhầy xoang trán bên phải bội nhiễm biến chứng xâm lấn ổ mắt và sọ não phải. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật tiệt căn xoang trán phải bằng đường trên cung mày (suprabrow incision) lấy bỏ hết vỏ khối u nhầy một cách cẩn thận mà không làm tổn thương màng cứng và gây tổn thương cơ thẳng trên. Mỡ dưới da (subcutaneous adipose tissue) vùng bụng được sử dụng để lấp đầy xoang trán (fat obliteration). Theo dõi hậu phẫu của bệnh nhân hoàn toàn ổn định và được xuất viện sau 7 ngày.

Hình 1: CT Scan trước mổ chỉ ra một u nhầy xoang trán phải mở rộng vào ổ mắt và sọ não gây ra chứng sập mi

Hình 2: (A) Thành trước xoang trán được mở để bộc lộ khối u nhầy có vỏ bao rõ và trong lòng chứa dịch mủ nhầy; (B) Bóc tách cẩn thận vỏ bao u nhầy ra khỏi màng cứng tránh rách lớp màng này gây chảy dịch não tủy; (C) Mỡ dưới da vùng bụng được lấy để lấp đầy xoang trán trong phẫu thuật tiệt căn xoang trán

  1. Yap SK, Aung T, Yap EY. Frontal sinus mucoceles causing proptosis- two case reports. Ann Acad Med Singapore 1998; 27:744–7.
  2. Arrue P, Thorn Kany M, Serrano E, et al. Mucoceles of the paranasal sinuses: uncommon location. J Laryngol Otol. 1998;112:840–4.
  3. Lloyd G, Lund VJ, Savy L, Howard D. Optimum imaging for mucoceles. J Laryngol Otol. 2000;114:233–6.
  4. Iannetti G, Cascone P, Valentini V, et al. Paranasal sinus mucocele: diagnosis and treatment. J Craniofac Surg. 1997;8:391–8.
  5. Obeso S, Llorente JL, Rodrigo JP, et al. Paranasal sinuses mucoceles: our experience in 72 patients. Acta Otorhinolaringol Esp. 2009;60(5):332–9.
  6. Sautter NB, Citardi MJ, Perry J, Batra PS. Paranasal sinus mucoceles with skull-base and/or orbital erosion is the endoscopic approach sufficient? Otolaryngol Head Neck Surg. 2008;139(4):570–4.
  7. Võ Tấn (2003), “U lành tính ở xoang”, Tai Mũi Họng Thực Hành, tập 1, Nhà xuất bản Y học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 165 - 169.