Phản ứng da thường gặp sau tiêm vaccine COVID-19

BS. Nguyễn Thị Thanh Phương

Giảng viên Bộ môn Da Liễu, Đại học Y Dược Huế

Bác sĩ Phòng khám Da Liễu, Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế

1.Giới thiệu

Tiêm chủng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe toàn cầu. Tần suất các tác dụng phụ do vắc-xin gây ra được báo cáo là thấp và dao động trong khoảng 4,8 đến 83,0 trên 100.000 liều vắc-xin được sử dụng phổ biến nhất. Sự xuất hiện của SARS-CoV-2 và tác động của nó đối với sức khỏe toàn cầu đã khiến việc phát triển vắc xin hiệu quả và an toàn trở nên quan trọng đối với chủng vi rút gây chết người mới này. Cho đến nay, có 4 nhóm vắc xin COVID-19 chính với 13 loại vắc xin đang được sử dụng trên khắp thế giới, gồm chủ yếu các loại sau:

  • Vắc xin mRNA: Pfizer-BioNTech, Moderna.
  • Vắc xin vectơ Adenovirus: AstraZeneca, Janssen Johnson&Johnson, Sputnik V, Convidecia.
  • Vắc xin toàn bộ vi rút bất hoạt: Sinofarm, Sinovac
  • Vaccine tiểu đơn vị protein: Novavax

Các loại vắc xin COVID-19 đều có thể gây ra nhiều phản ứng liên quan đến vắc xin. Các tác dụng phụ thường gặp nhất chỉ giới hạn ở vị trí tiêm và do kích thích viêm không đặc hiệu.

2. Biểu hiện da khi tiêm vắc xin COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng

Các phản ứng có hại trên da phổ biến nhất được ghi nhận là phản ứng tại chỗ tiêm như hồng ban, sưng, đau, cứng và ngứa trong vòng 7 ngày sau khi tiêm. Đau tại chỗ tiêm từ nhẹ đến trung bình là hiện tượng phổ biến nhất với tới 88% trường hợp thường hết trong vòng 24-48 giờ sau khởi phát. Hồng ban, sưng, cứng và ngứa ít phổ biến hơn.

Các phản ứng tại chỗ chậm, khởi phát điển hình từ 8 ngày trở lên sau khi tiêm và có các triệu chứng hồng ban, cứng và đau, đã được báo cáo cụ thể trong thử nghiệm pha III của Moderna. Mặc dù không thường xuyên, một loạt các biểu hiện da khác với mức độ nghiêm trọng khác nhau đã được báo cáo. Ít hơn 0,2% trong nhóm được tiêm chủng của Moderna đã phát ban bao gồm dị ứng, viêm da cơ địa và viêm da tiếp xúc; chàm; phát ban tróc vảy; phản ứng quá mẫn; nổi mày đay tại chỗ tiêm và phát ban mụn nước. Tuy nhiên, không có biểu hiện nào trên da được ghi nhận nghiêm trọng.

Tương tự như vậy, viêm da dị ứng, rụng tóc, phát ban chấm xuất huyết và chàm đã được thấy ở dưới 0,1% những người tham gia được tiêm chủng Sputnik V. Loét bóng nước liên quan đến vắc-xin và mụn rộp miệng cũng được ghi nhận trong nhóm thử nghiệm vắc-xin Convidecia.

Ba trường hợp phản ứng nghiêm trọng trên da đã được quan sát thấy trong số các loại vắc-xin này. Một người tham gia thử nghiệm Sinovac đã phát triển phản ứng quá mẫn cấp tính nghiêm trọng với nổi mày đay 48 giờ sau liều đầu tiên. Phát ban hết trong vòng ba ngày sau khi sử dụng chlorphenamine và dexamethasone, và phản ứng tương tự không được quan sát thấy sau liều thứ hai.

3. Biểu hiện da sau tiêm vaccine phòng COVID-19 trên thực tế

Phản ứng ngoài da với vắc-xin COVID-19 có thể không phổ biến ở những người tham gia thử nghiệm lâm sàng, nhưng khi tiêm chủng đại trà trên toàn cầu, những tác dụng phụ này sẽ gia tăng và các phản ứng da mới sẽ xuất hiện. Trên thực tế, nhiều báo cáo quan sát và loạt trường hợp về bệnh da liên quan đến vắc-xin COVID-19 đã được công bố gần đây. Nâng cao nhận thức về những biểu hiện này có thể giúp Bác sĩ Da Liễu xác định các nguy cơ tiềm ẩn, tham gia vào hướng dẫn dự đoán và bắt đầu xử trí thích hợp.

a. Phản ứng tại chỗ chậm

Một phản ứng tại chỗ chậm, được định nghĩa là xuất hiện mảng hồng ban và phù nề tại chỗ tiêm ít nhất 4 ngày trở lên sau khi tiêm vắc-xin, là tác dụng phụ trên da được ghi nhận phổ biến nhất trong y văn.

Trong khi các nghiên cứu khác nhau về báo cáo các đặc điểm của phát ban, hầu hết các phản ứng tại chỗ chậm đều nhẹ và thoáng qua với một số ít tái phát sau liều thứ hai. Theo y văn, tất cả các phản ứng tại chỗ chậm tự hết trong vòng 11 ngày.

Hình thái của các phản ứng tại chỗ chậm này thay đổi từ các khoảng hồng ban hình bia bắn đến các mảng lớn. Điều trị là không cần thiết; hầu hết các phản ứng đều nhẹ và tự khỏi. Trong khi một số bệnh nhân được điều trị bằng chườm lạnh, thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau và glucocorticoid (tại chỗ, uống hoặc cả hai), những trường hợp khác không cần dùng biện pháp nào. Tuy nhiên, vài bệnh nhân sử dụng kháng sinh không cần thiết do lo lắng về viêm mô tế bào và các bệnh nhiễm trùng khác. Do đó, cần cung cấp thông tin những phản ứng tại chỗ chậm này lành tính và không chống chỉ định đối với lân tiêm thứ hai.

Hình 1. Phản ứng tại chỗ tiêm trên 1 bệnh nhân sau tiêm vaccine Moderna

b. Phát ban dạng sởi

Hình thái phát ban dạng sởi và ban dạng dát sẩn đã được mô tả ở 43 đối tượng qua 2 nghiên cứu quan sát. Trong số những trường hợp này, 11 trường hợp đã được gửi đến Hệ thống báo cáo phản ứng phụ của vắc xin (VAERS) và được xác nhận bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) như một biểu hiện của phản ứng phản vệ.

Trong số các trường hợp không có đặc điểm là sốc phản vệ, hầu hết phát ban xảy ra trong vòng hai đến ba ngày sau khi tiêm và tự khỏi trong vòng một tuần.

Đáng chú ý, phát ban dạng sởi đã được báo cáo trong một số trường hợp nhiễm COVID-19 ở cả trẻ em và người lớn.

Hình 2. Ban dạng dát sẩn trên 1 bệnh nhân sau tiêm vaccine Pfizer

c. Mày đay

Mày đay được biểu hiện bằng những sẩn phù, thường khỏi trong vòng 24 giờ. Nó có thể biểu hiện như một phần của phản ứng quá mẫn tức thì, được CDC định nghĩa là khởi phát trong vòng 4 giờ sau khi tiêm, hoặc xảy ra 4 giờ sau khi tiêm; sự phân định này rất quan trọng để nhận biết vì trường hợp đầu tiên là chống chỉ định tiềm ẩn đối với lần tiêm thứ hai.

d. Cước đầu chi

Các tổn thương giống bệnh cước đầu chi đã được quan sát thấy ở những người bị nhiễm COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Chỉ gần đây chúng mới được phát hiện có liên quan đến vắc-xin COVID-19.

Các tổn thương giống bệnh cước đầu chi có xu hướng biểu hiện dưới dạng các sẩn và dát không đau, hồng ban và có màu tím trên bàn tay và bàn chân, một số trường hợp trầm trọng hơn khi tiếp xúc với lạnh. Điều trị với corticosteroid tại chỗ, những tổn thương này có thể khỏi sau 1 tuần đến 1 tháng.

Sự xuất hiện của các tổn thương dạng cước đầu chi không chỉ trong quá trình nhiễm COVID-19 mà còn sau khi tiêm chủng cho thấy rằng vắc-xin và SARS-CoV-2 kích hoạt một con đường miễn dịch tương tự nhau. Trong khi cơ chế vẫn chưa rõ ràng, những phát hiện này cho thấy rằng các tổn thương dạng cước đầu chi được thấy trong trường hợp nhiễm COVID-19 và sau khi tiêm chủng có thể ít liên quan trực tiếp đến tác động của virus.

Hình 3. “Ngón chân COVID” - biểu hiện da giống bệnh cước đầu chi trên bệnh nhân sau tiêm vaccine COVID-19

e. Những phản ứng khác

Các báo cáo về phản ứng da khác bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm khởi phát sớm, đau đỏ đầu chi, hồng ban đa dạng, liken phẳng, bệnh zona và tái kích hoạt herpes simplex, phản ứng giống bệnh vảy phấn hồng, chấm xuất huyết và ban xuất huyết. Phản ứng tại chỗ tiêm xảy ra trong vòng 3 ngày sau khi tiêm chủng là biểu hiện da phổ biến thứ 2 được quan sát thấy trong phân tích 414 các trường hợp COVID-19 có biểu hiện da được ghi nhận.

Một số phản ứng như đau đỏ đầu chi, hồng ban đa dạng và bệnh vảy phấn hồng giống các biểu hiện da đã biết của nhiễm COVID-19. Các phản ứng hiếm gặp hơn bao gồm bùng phát liken phẳng đã được kiểm soát tốt trước đó, cũng như chấm xuất huyết và ban xuất huyết.

4. Kết luận

Vắc xin là công cụ quan trọng chống lại đại dịch, tuy nhiên, hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ về cơ chế giữa những vắc xin này và các tác dụng phụ liên quan trên da của chúng còn hạn chế.Việc ghi nhận các phản ứng phổ biến và mới xuất hiện có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược vắc xin vì lo ngại về khả năng gây phản ứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiêm liều thứ 2 đối với cộng đồng. Vì lợi ích của việc chủng ngừa vượt xa rủi ro, điều quan trọng là các cấp ban ngành, các cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần nhận ra vai trò trong việc khuyến khích tiêm chủng vắc xin, giáo dục bệnh nhân và xoa dịu sự lo lắng của người dân, nhằm hướng đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.